Sau 3 năm bám trụ, chàng thanh niên 26 tuổi James Irungu sống tại Kenya đã từ bỏ công việc kiểm duyệt nội dung trên Facebook do những tổn hại sức khỏe tinh thần kéo dài. Được giao nhiệm vụ loại bỏ các bài đăng độc hại và vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng, James Irungu liên tục phải đối mặt với những nội dung bạo lực và khiêu dâm, trong đó bao gồm cả các vụ tai nạn kinh hoàng và lạm dụng trẻ em.
Anh đã luôn giữ kín công việc của mình vì lo ngại sự khó chịu hoặc phán xét từ những người khác. Điều này lại càng khiến James Irungu trở nên xa cách hơn với gia đình và người thân, dẫn tới việc anh luôn ở trong trạng thái lo lắng và sợ hãi.
"Tôi không nghĩ công việc đó phù hợp với con người. Nó cô lập tôi khỏi thế giới thực. Tôi bắt đầu nhận thấy thế giới này tối tăm đến mức nào" - James chia sẻ. Anh cho rằng, không đáng để hy sinh sức khỏe tinh thần của bản thân vì công việc này.
Tuy nhiên, James Irungu không phải là trường hợp duy nhất gặp vấn đề về tâm lý khi kiểm duyệt nội dung trên Facebook. Một cựu nhân viên khác của Facebook cho biết, nhiều nội dung trên mạng xã hội này đã khiến cô lo sợ và có những đồng nghiệp đã phải bỏ việc dù quản lý của cô khẳng định, công việc của họ sẽ giúp bảo vệ người dùng, trong đó bao gồm cả những đứa trẻ giống như con của cô.
"Tôi cảm thấy mình đang giúp đỡ mọi người" - nữ nhân viên này cho biết.
Dù vậy, cô lại nhận ra rằng, những điều mình từng xem là bình thường lại thực sự đáng lo ngại. Nữ nhân viên chia sẻ, đã có lần cô từng hét lớn giữa văn phòng sau khi phải xem một cảnh kinh hoàng trên Facebook nhưng chỉ nhận lại những cái nhìn từ phía đồng nghiệp và trưởng nhóm yêu cầu cô gặp nhân viên tư vấn y tế. Cô đã quay trở lại làm việc sau 15 phút cùng với lời khuyên rằng: "Hãy nghỉ ngơi một chút và quên hình ảnh đó đi".
Theo nữ nhân viên này, các trường hợp cần được chăm sóc sức khỏe tinh thần ở cấp độ chuyên sâu dường như không bao giờ được quan tâm, bất kể người điều phối chứng kiến nhân viên kiểm duyệt gặp khó khăn như thế nào.
"Công việc đó đã hủy hoại tôi và tôi sẽ không bao giờ quay lại đó nữa" - cô tuyên bố.
Bác sĩ Ian Kanyanya - Trưởng bộ phận Dịch vụ sức khỏe tâm thần tại Bệnh viện quốc gia Kenyatta ở thủ đô Nairobi của Kenya - cho biết, hơn 140 nhân viên kiểm duyệt nội dung trên Facebook đã được chẩn đoán mắc chứng rối loạn căng thẳng hậu sang chấn (PTSD) nghiêm trọng, rối loạn lo âu lan tỏa (GAD) và rối loạn trầm cảm nặng tạm thời (MDD) do những nội dung tiêu cực mà họ tiếp xúc mỗi ngày.
Những chẩn đoán này được ghi trong vụ kiện đang được đệ trình nhắm vào Meta - công ty mẹ của Facebook và Samasource Kenya - công ty thực hiện kiểm duyệt cho Meta bằng cách thuê nhân viên ở châu Phi. Các báo cáo y tế gửi tới tòa án tại Nairobi mô tả về điều kiện làm việc khủng khiếp bên trong cơ sở do Meta thuê. Các nhân viên liên tục phải xử lý nội dung trong không gian lạnh lẽo giống như nhà kho, dưới nguồn ánh sáng mạnh và bị giám sát hoạt động nghiêm ngặt đến từng phút.
"Kiểm duyệt nội dung trên Facebook là công việc nguy hiểm, gây ra chứng rối loạn căng thẳng hậu sang chấn suốt đời đối với hầu như tất cả những người làm công việc này. Tại Kenya, công việc này đã gây tổn thương cho 100% kiểm duyệt viên từng được kiểm tra về PTSD" - Martha Dark, Người sáng lập và Giám đốc của Foxglove - tổ chức ủng hộ vụ kiện, nhấn mạnh.
Hiện cả hai công ty Meta và Samasource đều từ chối bình luận về các cáo buộc liên quan đến vụ kiện.